Máy chủ là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực mạng máy tính, đặc biệt là trong các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng mạng hiện đại. Máy chủ là yếu tố quan trọng để một hệ thống được duy trì, kiểm soát và vận hành ổn định. Vậy máy chủ là gì? Vai trò và ứng dụng của máy chủ trong thực tế là gì? Cùng Wifiruckus tìm hiểu thêm qua bài viết ngay sau đây nhé.
Nội Dung Bài Viết
Máy chủ là gì?
Máy chủ hay còn gọi là Server được hiểu đơn giản là một chiếc máy tính chuyên dụng nhưng với hiệu năng vượt trội và nhiều tính năng đa dạng hơn. Máy chủ thường được sử dụng để cung cấp các dịch vụ cho các thiết bị có kết nối mạng hoặc máy tính thông thường khác.
Để dễ hình dung, máy chủ là một máy tính trung tâm, và các thiết bị máy tính khác chính là những khách hàng được kết nối với máy chủ thông qua mạng nội bộ hoặc mạng internet. Các thiết bị và máy tính kết nối với máy chủ để yêu cầu một dịch vụ cụ thể ví dụ như yêu cầu truy xuất dữ liệu, email, tải trang,…
Như khi người dùng truy cập ứng dụng youtube trên điện thoại/ máy tính để xem các video thì cũng có nghĩa thiết bị của bạn đang kết nối với máy chủ của ứng dụng youtube. Tùy theo mục đích và quy mô sử dụng mà một máy chủ có thể cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau hoặc chỉ để xử lý cho một dịch vụ cụ thể, như một máy chủ riêng cho 1 trang web, một máy chủ riêng lưu trữ email và một máy chủ riêng cho lưu trữ dữ liệu. Hình thức này cũng được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp và tổ chức lớn. Đối với các tổ chức nhỏ hơn, một máy chủ có thể được thiết lập để xử lý cùng lúc cho 3 dịch vụ như trang web, lưu trữ dữ liệu và email.
Lịch sử ra đời của máy chủ
Máy chủ bắt đầu xuất hiện từ năm 1981 với máy tính đầu tiên có tên IBM VM hay còn gọi là LIST SERVER, khởi chạy trên hệ thống ảo của IBM cho phép người dùng làm việc và tương tác qua email.
Đến năm 1991, máy chủ World Wide Web (web server) ra đời và được thiết lập trên một thiết bị tên là NextCube với 2GB ổ cứng, 256MHz CPU và hoạt động trên hệ điều hành NextStep.
Năm 1994, máy chủ có thể lắp đặt trên giá đỡ (rack mountable) đầu tiên đã được ra đời thuộc dòng ProLiant Series với bộ vi xử lý Intel Pentium II Xeon 450 MHz, RAM 256MB và có một ổ đĩa CD-ROM 24X.
Năm 1998, máy chủ được coi là nền tảng của Google đã ra đời với tên gọi là Sun Ultra II.
Năm 2001, RLX Blade đã ra đời và trở thành máy chủ phiến hiện đại đầu tiên, được chế tạo dựa trên công nghệ RLX Houston.
Năm 2008, thiết bị PS3 tích hợp GPU đã được chế tạo với băng thông di động 3.2GHz, 256MB RAM, 60GB ATA ổ cứng và RSX 550MHz được sử dụng để xử lý tác vụ đồ họa.
Từ năm 2009 cho đến hiện tại, khi công nghệ ngày càng được nâng cấp và phát triển, máy chủ vật lý đã dần dần được ứng dụng công nghệ và ra đời những máy chủ ảo hóa, không còn yêu cầu nhiều về cấu hình phần cứng nữa.
Nguyên lý hoạt động của máy chủ
Máy chủ hoạt động theo mô hình Client – Server, trong đó máy chủ trung tâm là Server, các máy tính và thiết bị khác là Client. Client sẽ gửi các yêu cầu cần xử lý đến Server, sau đó Server sẽ xử lý các yêu cầu, phản hồi kết quả lại cho Client.
Server sẽ nhận tất cả các yêu cầu của Client nếu đó là yêu cầu hợp lệ và phản hồi kết quả. Trong mô hình này, các giao thức được sử dụng phổ biến là TCP/IP, FTP, HTTPS với vai trò tạo ra các quy tắc nhất định trong mô hình để Server và Client có thể giao tiếp với nhau đúng cách. Vì vậy, tất cả Client đều phải hoạt động theo các giao thức mà Server đã cung cấp để có thể gửi yêu cầu và nhận thông tin.
Vai trò của máy chủ, tại sao nên sử dụng máy chủ?
Máy chủ là một phần thiết yếu và quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, tổ chức hay các cá nhân muốn mở rộng và phát triển hình thức kinh doanh online và tiếp cận các công nghệ số, truyền thông. Nếu vẫn đang sử dụng những hình thức cổ điển, chắc chắn bạn sẽ bị tụt lùi và đi sau thời đại, đồng thời đối diện với những nguy cơ phá sản nếu không thể tiếp cận xu hướng và cạnh tranh trực tuyến.
Máy chủ với vai trò quan trọng là lưu trữ và nhận các yêu cầu hợp lệ, phản hồi và xử lý dữ liệu nhanh chóng sau đó trả kết quả về máy tính khách cho người dùng, hoạt động thông qua kết nối mạng LAN hoặc internet. Ngoài các sự cố hiếm gặp và bảo trì máy móc, máy chủ luôn được hoạt động liên tục để đảm bảo duy trì các hoạt động ổn định.
Trong việc quản lý, lưu trữ thông tin và vận hành thì máy chủ là người bạn đồng hành không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp. Một máy chủ sẽ xử lý được nhiều yêu cầu khác nhau mà người dùng không cần đầu tư nhiều các thiết bị nào khác. Việc cần làm chỉ là điều chỉnh các thiết lập, cài đặt cho máy chủ ảo và tối ưu phần cứng tốt cho máy chủ vật lý thì sẽ giúp các doanh nghiệp tổ chức tối ưu được rất nhiều chi phí.
Ứng dụng của máy chủ trong đời sống thực tế
Máy chủ đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, vận hành và cuộc sống công nghệ hiện đại. Dưới đây sẽ là một số ứng dụng và ví dụ thực tế của máy chủ trong hoạt động kinh doanh và đời sống hàng ngày.
Trong hoạt động kinh doanh
- Lưu trữ và phục vụ trang web: Máy chủ là nơi lưu trữ các tệp tin, ứng dụng và dữ liệu liên quan đến một trang web. Vì vậy chất lượng và hiệu suất của máy chủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các trải nghiệm của người dùng. Một máy chủ tốt là một máy chủ có khả năng cung cấp tốc độ truy cập nhanh, đảm bảo an toàn bảo mật và khả năng chịu tải tốt.
- Dịch vụ điện toán đám mây: Máy chủ đám mây cung cấp cho doanh nghiệp khả năng lưu trữ và truy cập dữ liệu từ xa thông qua internet. Điều này cho phép các công ty tiết kiệm tối ưu chi phí về trang bị phần cứng, giúp quản lý dữ liệu một cách hiệu quả và tăng tính linh hoạt trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, dễ dàng thích ứng với các xu thế mới của thời đại.
Trong đời sống hàng ngày
- Tìm kiếm trên Internet: Các công cụ tìm kiếm như Google, Bing đều hoạt động dựa trên hệ thống máy chủ hiệu suất cao. Máy chủ lưu trữ và quản lý hàng tỷ trang web, giúp người dùng tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chính xác. Máy chủ có tác động và ảnh hưởng lớn đến khả năng truy cập mạng và tìm kiếm thông tin của người dùng trong cuộc sống hàng ngày.
- Truyền thông trực tuyến: Máy chủ còn được sử dụng để lưu trữ và phân phối các nội dung trực tuyến như video, âm nhạc, sách điện tử và tin tức. Nhờ máy chủ, người dùng có thể tiếp cận và tận hưởng nhiều nguồn thông tin và giải trí khác nhau thông qua các dịch vụ trực tuyến như YouTube, Spotify, Netflix và các trang web tin tức khác.
- Giao dịch thương mại điện tử: Máy chủ là yếu tố cốt lõi của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, eBay, Alibaba. Máy chủ giúp lưu trữ thông tin sản phẩm, xử lý giao dịch thanh toán và tương tác trực tuyến với người dùng. Máy chủ tạo ra một hệ thống mạng ổn định và an toàn để đảm bảo giao dịch mua bán trực tuyến có thể diễn ra một cách suôn sẻ và tin cậy.
Phân loại máy chủ
Máy chủ được phân loại chính dựa trên các hình thức mà người ta tạo ra và cách mà chúng ta nhận biết nó. Dựa vào phương thức này, máy chủ được chia ra thành 3 loại chính là Dedicated Server, VPS và Cloud Server.
Dedicated Server
Với Dedicated Server hay còn gọi là máy chủ vật lý là máy chủ được ra đời đầu tiên trên thế giới. Với hình dạng vật lý giống như một thiết bị máy tính có thể nhìn và quan sát được. Vì vậy nó sẽ hoạt động chính dựa trên phần cứng được lắp đặt và các thiết bị đi kèm như RAM, CPU, HDD, Card mạng,… Người dùng sẽ cần phải thay đổi phần cứng của máy chủ nếu như muốn thiết lập lại cấu hình hay nâng cấp thiết bị.
VPS
VPS hay còn gọi là máy chủ ảo, là một máy chủ không nhìn thấy được dưới hình dạng vật lý mà được ứng dụng công nghệ ảo hóa để tạo ra, phù hợp với tính hiện đại và tiện lợi hiện nay. Từ một máy chủ vật lý, khi ứng dụng công nghệ này, người dùng có thể chia nhỏ thành nhiều các máy chủ ảo khác nhau với các vai trò và tính năng tương tự như máy chủ vật lý.
Việc sử dụng máy chủ ảo cũng khắc phục được sự khó khăn trong thiết lập cấu hình, bởi máy chủ ảo không còn liên quan đến phần cứng. Bởi vậy mà người dùng rất dễ dàng để điều chỉnh các thông số, cài đặt trên phần mềm chung quản lý hệ thống. Việc điều chỉnh này tuy dễ dàng nhưng tài nguyên máy sẽ bị giới hạn giống như trên máy chủ vật lý.
Cloud Server
Máy chủ Cloud Server hay được gọi là máy chủ lưu trữ là một máy chủ được lưu trữ ngay trên internet. Điều này sẽ giúp máy chủ hoạt động trơn tru, mượt mà hơn và hạn chế tối đa tình trạng gián đoạn hay mất kết nối, ngừng lưu trữ. Cùng với đó, công nghệ này giúp nhiều máy chủ vật lý có thể kết hợp với nhau trong Cloud Server, giúp tốc độ truy cập và phản hồi cực nhanh, hệ thống lưu trữ SAN nâng cao dung lượng.
Một số lưu ý quan trọng khi lựa chọn máy chủ
Khi chọn mua và sử dụng thiết bị máy chủ, người dùng cần xem xét thật kỹ lưỡng và cẩn trọng bởi đây có thể nói là thiết bị đầu não trong cơ sở dữ liệu của một doanh nghiệp.
Tính bảo mật
Tính bảo mật có thể nói là một trong những ưu tiên hàng đầu của máy chủ bởi máy chủ là nơi lưu trữ hầu như toàn bộ dữ liệu riêng tư và bảo mật, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nếu như xảy ra vấn đề. Vì vậy mà một số công ty làm dịch vụ đã bổ sung thêm công nghệ DDoS giúp bạn chống lại các cuộc tấn công an ninh mạng.
Quy mô và tính linh hoạt
Trong thời đại công nghệ 4.0, các thiết bị đều cần có sự linh hoạt để phục vụ cho quá trình nâng cấp, đổi mới, thích ứng với thời đại và máy chủ cũng không ngoại lệ. Trong trường hợp cần thiết lập và điều chỉnh linh hoạt, người dùng có thể tham khảo máy chủ VPS để có thể nâng cấp quy mô và chuyển đổi nhanh nhạy khi muốn mở rộng và phát triển kinh doanh.
Tính hiệu quả
Nếu điều bạn ưu tiên và tập trung hướng đến là tốc độ xử lý và hiệu năng làm việc cao thì máy chủ vật lý sẽ là sự lựa chọn hữu ích. Phần cứng mạnh mẽ của máy chủ vật lý sẽ giúp hạn chế tối đa các sự cố nghẽn mạng và các rủi ro về bảo mật trong quá trình sử dụng.
Tại sao luôn phải bật máy chủ?
Qua bài viết này nếu bạn đã nắm được phần nào máy chủ là gì và các vai trò quan trọng của máy chủ thì sẽ hiểu máy chủ luôn cần phải bật để duy trì hoạt động và phản hồi nhanh chóng các yêu cầu bất cứ lúc nào. Ví dụ như bạn đang lướt web lúc 2 giờ sáng, bạn tìm kiếm các thông tin trên Google, nếu máy chủ không hoạt động thì sẽ chẳng có thông tin nào phản hồi lại khi bạn tìm kiếm kết quả. Đặc biệt là với các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hoặc tạo ra các dịch vụ gắn liền với internet thì cũng sẽ gây ra rất nhiều rắc rối và tổn thất nếu như máy chủ gặp sự cố ngừng hoạt động. Để hạn chế tối đa tình trạng đó, máy chủ cũng đã được thiết lập một cấu hình cao, ổn định để tăng khả năng chịu lỗi và xử lý nhanh chóng hơn.
Vì tính an toàn và bảo mật mà máy chủ thường được bảo vệ ở những vị trí đặc biệt, cách xa khỏi các thiết bị và đối tượng khác có khả năng gây hư hại và tổn thất cho máy chủ. Máy chủ và các thiết bị liên quan thường được đặt trong nhà kính hoặc lưu trữ trong các cơ sở kinh doanh của công ty.
Cách kết nối với một máy chủ
Để kết nối các thiết bị Client với Server, máy chủ thường sẽ được kết nối với Switch hoặc qua Router trong mạng cục bộ cùng với các thiết bị máy tính khác. Sau khi được kết nối với internet, các máy tính khác sẽ truy cập được vào máy chủ và bắt đầu gửi các yêu cầu hợp lệ an toàn cần xử lý và chờ phản hồi từ máy chủ. Người dùng có thể lướt web, tìm kiếm thông tin và giao tiếp người dùng trên internet thông qua việc kết nối với một máy chủ.
So sánh thiết bị lưu trữ NAS và Server
Để so sánh thiết bị lưu trữ NAS với một Server, có một số yếu tố sau đây cần được xem xét:
Chia sẻ dữ liệu đa nền tảng
Thiết bị NAS hỗ trợ người dùng chia sẻ dữ liệu trên các hệ điều hành khác nhau như Mac, Linux và Windows. Người dùng hoàn toàn dễ dàng truy cập vào dữ liệu của NAS từ các máy tính và hệ điều hành khác nhau. Đây là một điểm nổi bật so với Server vì với Server tính năng này sẽ bị hạn chế hoặc yêu cầu cấu tính và các thiết lập phức tạp hơn.
Đồng bộ dữ liệu lưu trữ trực tuyến
Thiết bị NAS tích hợp đa nền tảng với các dịch vụ lưu trữ trực tuyến như Google Drive, Dropbox, OneDrive cho phép người dùng dễ dàng đồng bộ các dữ liệu, máy tính, thiết bị. Dữ liệu hoàn toàn có thể truy cập từ nhiều thiết bị khác nhau. Với máy chủ, tính năng này được hoạt động với nhiều yêu cầu phức tạp và khó khăn hơn.
Bảo vệ dữ liệu
Thiết bị NAS hỗ trợ tính năng RAID để tăng cường bảo vệ dữ liệu khi có sự cố xảy ra trên ổ cứng, bảo vệ toàn vẹn dữ liệu ngay cả khi ổ cứng hư hỏng. Đặc biệt NAS đã tích hợp sẵn tính năng này và dễ dàng để thiết lập sử dụng còn máy chủ thì sẽ phức tạp hơn một chút.
Linh hoạt mở rộng dung lượng
Với NAS, để mở rộng thêm dung lượng lưu trữ thì người dùng chỉ cần sử dụng thêm các ổ cứng mới cực kỳ dễ dàng. Khi cần thiết, người dùng có thể linh hoạt điều chỉnh dung lượng cho phù hợp với dữ liệu và thời điểm. Với máy chủ, thao tác này có các yêu cầu phức tạp hơn thậm chí có thể phải gián đoạn hoạt động để xử lý.
Qua những lý do trên đây, bạn có nghĩ thiết bị NAS thay thế được máy chủ không? Hoàn toàn có thể, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số cao, yêu cầu các thích ứng linh hoạt và thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với xu thế hiện đại. NAS sở hữu nhiều ưu điểm về tính năng, hiệu suất và độ linh hoạt khi so sánh với một máy chủ truyền thống nên NAS có thể là một lựa chọn hợp lý để thay thế máy chủ trong nhiều trường hợp, đáp ứng nhu cầu lưu trữ và chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp và người dùng cá nhân. NAS có khả năng chia sẻ và truy cập file từ xa, bảo vệ dữ liệu bằng RAID, dễ sử dụng và tiết kiệm năng lượng so với máy chủ truyền thống.
Một số thương hiệu thiết bị lưu trữ NAS phổ biến hiện nay có thể kể đến như NAS Synology, NAS QNAP, NAS TerraMaster,.. Điều quan trọng là người mua cần cân nhắc và lựa chọn các đơn vị uy tín chất lượng để tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
Tạm kết
Bài viết trên đây Ruckus-Networks đã vừa chia sẻ đến bạn đọc các kiến thức bổ ích mà chúng tôi tổng hợp được về chủ đề máy chủ. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã phần nào hiểu được khái niệm cũng như vai trò quan trọng của máy chủ trong đời sống cũng như trong công việc, từ đó có những quyết định phù hợp, sáng suốt khi có quyết định sử dụng và chọn mua thiết bị này.