Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các vấn đề về tấn công an ninh mạng đã và đang diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hệ thống mạng của các doanh nghiệp, tổ chức. DDoS là một trong nhiều hình thức tấn công mạng phổ biến hiện nay, được tin tặc sử dụng để xâm nhập hay phá hoại hạ tầng mạng mục tiêu. Trong bài viết sau, bạn đọc hãy cùng Ruckus Networks tìm hiểu chi tiết về hình thức tấn công DDoS và tổng hợp cách phòng chống hiệu quả nhất!
Nội Dung Bài Viết
DDoS là gì?
DDoS là viết tắt của “Distributed Denial of Service” (Tấn công từ chối dịch vụ phân tán). Đây là một hình thức tấn công mạng mà kẻ tấn công cố gắng làm cho một dịch vụ trực tuyến hoặc một website rơi vào trạng thái không khả dụng bằng cách gây quá tải hệ thống bằng một lượng lớn yêu cầu dịch vụ hoặc kết nối.
Trong một cuộc tấn công DDoS, thay vì sử dụng một máy chủ duy nhất để tạo ra các yêu cầu đến máy chủ mục tiêu, kẻ tấn công sẽ sử dụng rất nhiều thiết bị khách đã bị nhiễm virus hoặc máy chủ đã bị xâm nhập (thường được gọi là “botnet”) để gửi yêu cầu tới mục tiêu. Điều này làm cho cuộc tấn công trở nên vô cùng khó khăn để truy tìm, ngăn chặn lưu lượng tấn công. Máy chủ mục tiêu sẽ phải chịu sự tăng trưởng đột ngột của lưu lượng mạng gây nên tình trạng quá tải, hoạt động chậm chạp và có thể gây thiệt hại cho kinh tế, thời gian phục hồi của doanh nghiệp.
Những hậu quả nghiêm trọng khi hệ thống mạng bị tấn công DDoS
Khi hệ thống mạng bị tấn công DDoS, có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng sau đây:
- Dịch vụ không khả dụng (Service Unavailability): Các cuộc tấn công DDoS có thể làm cho dịch vụ hoặc trang web rơi vào tình trạng mất khả dụng, quá tải, thời gian phản hồi yêu cầu quá lâu.
- Thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp: Khi dịch vụ trực tuyến không hoạt động, doanh nghiệp có thể gặp sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh, gây mất doanh thu và uy tín.
- Đòi hỏi chi phí hồi phục lớn: Sau một cuộc tấn công DDoS, các doanh nghiệp có thể phải mất một khoản chi phí rất lớn để phục hồi hệ thống. Bên cạnh đó để giảm thiểu tối đa rủi ro cho lần tấn công trong tương lai, tổ chức cũng cần đầu tư để mở rộng hạ tầng mạng hay thuê các dịch vụ bảo vệ chống DDoS.
- Xâm nhập dữ liệu và thông tin bảo mật: Trong một số trường hợp, cuộc tấn công DDoS có thể được sử dụng để truy cập vào hệ thống máy chủ mục tiêu và lấy cắp thông tin nhạy cảm hoặc dữ liệu quan trọng của khách hàng. Điều này có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng về thông tin và gây thiệt hại về an ninh cho doanh nghiệp và tổ chức.
- Ảnh hưởng đến hệ thống mạng rộng lớn: Nếu một cuộc tấn công DDoS không được kiểm soát kịp thời có thể lan rộng và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống mạng rộng lớn, bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và cơ sở hạ tầng mạng quốc gia. Điều này gây ra sự mất ổn định và ảnh hưởng đến việc truy cập Internet của người dùng ở nhiều địa điểm khác nhau.
- Mất niềm tin và uy tín: Một cuộc tấn công DDoS thành công có thể làm mất niềm tin của khách hàng và làm giảm uy tín của tổ chức bị tấn công. Khách hàng và đối tác không còn tin tưởng vào khả năng bảo vệ dữ liệu và cung cấp dịch vụ an toàn của tổ chức đó, gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh doanh và hợp tác.
Cùng tìm hiểu thêm bài viết về chủ đề liên quan: Gateway là gì? Các chức năng của Gateway
Phân biệt tấn công DOS và DDoS
Tiêu chí | DoS | DDoS |
Định nghĩa | DoS viết tắt của cụm từ Denial of Service có nghĩa tấn công từ chối dịch vụ | DDoS viết tắt của cụm từ Denial of Service có nghĩa tấn công từ chối dịch vụ phân tán |
Số lượng hệ thống tấn công | Chỉ có 1 hệ thống nhắm mục tiêu vào hệ thống mục tiêu. | Nhiều hệ thống thiết bị đầu cuối tấn công vào hệ thống mục tiêu. |
Vị trí gửi gói dữ liệu | Hệ thống bị nhắm mục tiêu load gói dữ liệu được gửi từ 1 vị trí thiết bị duy nhất. | Hệ thống bị nhắm mục tiêu load gói dữ liệu được gửi từ nhiều vị trí thiết bị khác nhau. |
Tốc độ tấn công | Chậm hơn. | Nhanh hơn. |
Khả năng ngăn chặn tấn công | Dễ dàng hơn vì kẻ tấn công chỉ dùng 1 hệ thống. | Khó khăn hơn vì kẻ tấn công dùng nhiều thiết bị và từ nhiều vị trí khác nhau. |
Số lượng thiết bị tấn công | Chỉ 1 thiết bị duy nhất. | Nhiều bot được sử dụng và tấn công đồng thời. |
Khả năng theo dõi tấn công | Dễ theo dõi. | Khó theo dõi. |
Lưu lượng truy cập đến mạng mục tiêu | Lưu lượng thấp hơn so với tấn công DDoS. | Lưu lượng cực lớn gây ra gián đoạn, sập hệ thống mục tiêu |
Các dạng tấn công chính | 1. Tràn bộ nhớ đệm.
2. ICMP flood hoặc Ping of Death. 3. Teardrop Attack. |
1. Băng thông (Volumetric).
2. Phân mảnh dữ liệu (Fragmentation Attack). 3. Khai thác lỗ hổng trong ứng dụng (Application Layer Attack). |
Các loại tấn công DDoS thông dụng nhất hiện nay
Có nhiều hình thức tấn công DDoS khác nhau, dựa vào lỗ hổng bảo mật của máy chủ mục tiêu, kẻ tấn công có thể lựa chọn các phương thức tấn công phù hợp với mục đích của họ. Một số phương thức tấn công DDoS phổ biến bao gồm:
- Tấn công TCP SYN Flood: Dạng tấn công này tạo ra nhiều yêu cầu kết nối “nửa vời” đến máy chủ mục tiêu. SYN Flood thường xảy ra khi lớp TCP bị bão hòa, tin tặc sẽ gửi nhiều yêu cầu SYN nhưng không phản hồi SYN-ACK của máy chủ hoặc gửi các yêu cầu SYN từ địa chỉ IP giả mạo để làm gián đoạn trình kết nối TCP giữa máy khách và máy chủ trên mọi cổng giao tiếp. SYN Flood là hình thức tấn công DDoS không có ý định làm cạn kiệt bộ nhớ của máy chủ mục tiêu mà chỉ muốn làm suy kiệt nguồn dự trữ của các kết nối mở.
- Tấn công UDP Flood: Dạng tấn công này gửi một lượng lớn các gói tin UDP (User Datagram Protocol) đến máy chủ mục tiêu hoặc hệ thống mạng đích từ xa, tương tự như tấn công ICMP Flood.
- Tấn công HTTP Flood: Tấn công này tạo ra một lượng lớn các yêu cầu HTTP (Hypertext Transfer Protocol) đến website hoặc dịch vụ trực tuyến mục tiêu. Dạng tấn công này sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi máy chủ hoặc dịch vụ trực tuyến bị buộc phải phân bổ tài nguyên ở mức tối đa để có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu đơn lẻ được gửi đến từ nhiều thiết bị tấn công.
- Tấn công DNS Flood: Tấn công này tạo ra một lượng lớn các yêu cầu DNS (Domain Name System) đến một máy chủ DNS đích, hình thức tấn công này nhắm vào khả năng phân giải IP của hệ thống DNS của máy chủ. Một khối lượng lớn yêu cầu từ các thiết bị của tin tặc sẽ làm gián đoạn các dịch vụ của nhà cung cấp DNS và ngăn cản quyền truy cập vào máy chủ DNS của người dùng hợp pháp.
- Tấn công Slowloris: Tấn công này tạo ra nhiều kết nối đến máy chủ mạng nhưng không hoàn thành chúng, giữ kết nối đó mở để đẩy máy chủ vào trạng thái quá tải, thất thoát lượng tài nguyên cực lớn.
- NTP Amplification: Thủ phạm sẽ khai thác các máy chủ NTP có thể truy cập công khai để tấn công vào các mục tiêu máy chủ với lưu lượng UDP. Bất kỳ kẻ tấn công nào nắm được danh sách các máy chủ NTP mở đều có thể dễ dàng gây ra các cuộc tấn công DDoS cực kì lớn.
- Smurf Attack: Hình thức tấn công này còn được biết đến với cái tên Tấn công ICMP Flood. Tin tặc sẽ tận dụng các lỗ hổng IP và ICMP để gửi các gói ICMP độc hại, đính kèm địa chỉ IP giả đến mạng phát sóng IP. Các gói ICMP giả mạo sẽ gửi yêu cầu Ping tới càng nhiều máy chủ, qua đó Địa chỉ IP máy chủ mục tiêu sẽ bị quá tải và gián đoạn hay xấu hơn là sập hoàn toàn.
- Fraggle Attack: Fraggle Attack là kỹ thuật tấn công mạng bằng cách gửi một lượng lớn lưu lượng UDP giả mạo tới mạng phát sóng của bộ định tuyến.
- Advanced persistent Dos: Advanced Persistent DoS là hình thức tấn công toàn diện hơn, sử dụng rất nhiều các hình thức đã được đề cập tại phần trên để tấn công máy chủ đích. Cuộc tấn công của APDoS có thể kéo dài hàng tuần với hàng triệu yêu cầu mỗi giây.
- HTTP GET: Hinh thức tấn công DDoS này sẽ thông qua các máy chủ botnet truy cập vào số lượng lớn các trang trên website có chứa nội dung tĩnh kích cỡ lớn như video hình ảnh hoặc một số phương tiện khác. Máy chủ của website sẽ xảy ra tình trạng quá tải khi có yêu cầu hợp pháp truy cập vào các nội dung tĩnh trên.
Để đối phó với các loại tấn công DDoS này, các chuyên gia bảo mật cần phải phát triển các giải pháp hiệu quả để phát hiện và ngăn chặn các hình thức tấn công này trước khi chúng gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và tổ chức. Bạn đọc có thể tham khảo cách thức ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS trong phần nội dung ngay sau đây!
Cách ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS bạn cần biết
Có nhiều cách để giảm thiểu tấn công DDoS trên mạng, bao gồm:
Định tuyến hố đen (Blackhole routing)
Định tuyến hố đen là cách thức đơn giản nhất giúp đẩy lưu lượng không đáp ứng được vào vùng bất định. Định tuyến hố đen là tuyến phòng thủ đầu tiên của một hệ thống mạng. Khi thực hiện lọc hố đen, quản trị viên an ninh mạng cần cấu hình định tuyến với các tiêu chí cụ thể. Qua đó giảm thiểu tối đa khả năng cả lưu lượng mạng hợp pháp, độc hại đều được chuyển đến hố đen và bị loại khỏi mạng.
Giới hạn tỷ lệ (Rate limiting)
Hiểu đơn giản Rate Limiting là cách thức ngăn chặn DDoS bằng cách hạn chế số lượng yêu cầu được chấp nhận trong một khoảng thời gian nhất định, giảm thiểu nỗ lực đăng nhập brute force và làm chậm quá trình ăn cắp thông tin của tin tặc.
Tường lửa ứng dụng web (Web Application Firewall)
Web Application Firewall là cách thức ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS tại Layer 7 của mô hình OSI (Lớp ứng dụng). WAF thường được thiết lập ở giữa không gian Internet và máy chủ dịch vụ, đóng vai trò như một proxy ngược để bảo vệ máy chủ mục tiêu khỏi các lưu lượng truy cập độc hại.
TÌm hiểu thêm tại đây: Web app là gì? Đâu là sự khác biệt giữa Web app và Website
Anycast Network Diffusion
Mạng Anycast là hình thức ngăn chặn tấn công DDoS bằng cách phân tán lưu lượng tấn công đến điểm lưu lượng được mạng hấp thụ. Anycast Network Diffusion sẽ phân tán các ảnh hưởng của lưu lượng tấn công đến các điểm có thể quản lý được. Mức độ hiệu quả của Anycast trong một cuộc tấn công DdoS sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: quy mô của cuộc tấn công và quy mô hiệu quả của mạng.
Chuẩn bị băng thông dự phòng
Các doanh nghiệp và tổ chức cần cải thiện tối đa năng lực mạng bằng cách nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng, băng thông và sử dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến hơn để đảm bảo khả năng đối phó, giảm thiểu tối đa hậu quả sau tấn công và tối ưu chi phí hay thời gian để hồi phục hệ thống.
Sử dụng giải pháp mạng phân tán (CDN)
Sử dụng các dịch vụ CDN có thể phân tán lưu lượng truy cập của người dùng đến các máy chủ trên toàn cầu, giúp giảm thiểu tối đa hậu quả của các cuộc tấn công DDoS.
Sử dụng các dịch vụ hosting cao cấp
Đầu tư vào các dịch vụ hosting cao cấp từ các nhà cung cấp uy tín, tổ chức sẽ được sử dụng các server lưu trữ, tính năng bảo mật cao cấp hơn, nhân viên kỹ thuật từ hãng sẽ hỗ trợ xử lý kịp thời khi website của bạn gặp phải cuộc tấn công DDoS.
Tổng kết
Trên đây là tổng hợp chi tiết về hình thức tấn công DDoS bao gồm khái niệm, hậu quả, các hình thức tấn công và tổng hợp cách phòng chống hiệu quả nhất. Khi mà các cuộc tấn công mạng đã và đang diễn ra liên tục, các doanh nghiệp và tổ chức hiện nay cần phải có những biện pháp phòng chống phù hợp, nâng cao hiệu quả bảo mật của hạ tầng an nình mạng. Qua đó cải thiện tối đa khả năng đối phó với các hình thức DDoS khác nhau, tối ưu chi phí hay thời gian phải bỏ ra để hồi phục sau tấn công. Hi vọng rằng bạn đọc đã có đầy đủ những thông tin cần thiết về chủ đề trên!